Vốn ngân hàng - "Điểm tựa" khởi động sản xuất kinh doanh sau bão
Khắc phục sản xuất sau bão rất cần chính sách ưu đãi tín dụng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện 92 về tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. Trong đó, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, kịp thời áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay để người dân, doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh.
Theo báo cáo nhanh của Ngân hàng Nhà nước, chỉ riêng tại Hải Phòng và Quảng Ninh, đã có hơn 12.000 khách hàng vay vốn chịu ảnh hưởng, với tổng dư nợ khoảng 26.000 tỷ đồng. Công tác thống kê thiệt hại của các tỉnh, thành phố khác vẫn đang được tiến hành. Rất nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp, tới thương mại, dịch vụ đều chịu ảnh hưởng.
Thống kê riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, đã có hơn 181.000 ha lúa bị ngập úng, 23.600 ha cây ăn quả bị hư hại. Vì thế, việc miễn giảm lãi, giãn nợ là điều mà nhiều người đang trông ngóng.
Nhiều diện tích trồng dưa lưới của Hợp tác xã Tân Minh Đức, huyện Gia Lộc, Hải Dương bị thiệt hại nặng nề sau bão.
Tại Hợp tác xã Tân Minh Đức, huyện Gia Lộc, Hải Dương, vườn dưa lưới được trồng theo công nghệ cao chỉ sau một đêm đã trở thành một đống hoang tàn khi cơn bão số 3 đi qua. Hiện người dân ở đây cũng không có đủ tiền thuê người dọn dẹp để bắt tay vào vụ mùa mới. Những trái dưa ở đây từng là trái ngọt cho họ hàng trăm triệu đồng nỗi năm, thì nay đã trở thành những gánh nặng cho người nông dân ở đây.
"Mấy mẹ con nhìn cảnh tượng tan hoang khi cơn bão qua chỉ biết ôm nhau khóc…", xã viên Hợp tác xã Tân Minh Đức, Hải Dương chia sẻ.
Cả hợp tác xã có hơn 40 ha trồng dưa lưới công nghệ cao, tính đến nay thiệt hại lên tới 180 tỷ đồng, gồm cả tiền hoa màu và tiền nhà màng bị hư hỏng. Mong muốn lớn nhất của những người nông dân ở đây là được khoanh nợ, để tiếp tục được vay ngân hàng, có vốn để trước mắt khắc phục hậu quả sau bão, sau đó là khôi phục sản xuất.
May mắn hơn hợp tác xã trên, Tổng Giám đốc Công ty Newgreen Way Việt Nam không bị thiệt hại nhiều về nhà xưởng, tuy nhiên mọi hoạt động đang bị đình trệ vì mất điện. Ngoài ra, chi phí sản xuất cũng tăng lên do các hợp tác xã tại địa phương đều bị thiệt hại, nên họ phải nhập khẩu nông sản từ Trung Quốc để thay thế.
Cần 3 tháng để có lại những cánh đồng dưa, cần 1 năm để có một vụ ổi, vụ chuối mới… Vì vậy rất cần những chính sách tín dụng đủ mạnh, để có thể giúp người làm nông nghiệp sớm trở lại sản xuất, tái thiết lại hoạt động kinh doanh.
Nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn phục hồi sau bão số 3
Nhằm chia sẻ khó khăn cùng người dân, doanh nghiệp, nhiều ngân hàng thương mại đã quyết định miễn, giảm lãi suất cho cả các khoản vay cũ và cả những khoản vay mới, để người vay có vốn bắt đầu lại từ đầu.
Hơn 21.000 tỷ đồng là con số dư nợ của khách hàng bị thiệt hại sau bão số 3 của Ngân hàng Agribank tính tới thời điểm hiện tại. Để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất, ngân hàng quyết định giảm từ 0,5% - 2%/năm cho các khoản vay của nhóm này, tuỳ thuộc vào mức độ ảnh hưởng.
Hỗ trợ cho khách hàng cũ và mở rộng nguồn vốn mới nhằm giúp khách hàng có điều kiện sửa chữa, đầu tư trang thiết bị, phục hồi sản xuất kinh doanh cũng là giải pháp Ngân hàng Vietcombank hướng đến. Ngân hàng đã quyết định giảm lãi suất cho vay trên dư nợ 130.000 tỷ đồng của 20.000 khách hàng bị ảnh hưởng bão.
Ông Lê Quang Vinh - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank cho biết: "Mức giảm là mức 0,5% từ nay đến cuối năm cho toàn bộ dư nợ hiện hữu và các dư nợ vay mới của khách hàng và người dân vay vốn sản xuất, kinh doanh, bị ảnh hưởng lớn bởi bão lũ. Vietcombank không chỉ thực hiện giảm lãi suất cho các khoản vay cũ, mà cũng cho vay các khoản vay mới, để khách hàng có thể phục hồi được sản xuất kinh doanh sau bão lũ".
Nhiều ngân hàng thương mại đã quyết định miễn, giảm lãi suất cho cả các khoản vay cũ và cả những khoản vay mới, để người vay có vốn bắt đầu lại từ đầu. Ảnh minh họa.
Ngoài các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần cũng cùng chung tay góp sức hỗ trợ khách hàng. Bên cạnh mức lãi suất giảm 1% lãi suất vay đối với doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh từ nay đến cuối năm, Ngân hàng MSB cũng triển khai thêm chương trình cho vay tín chấp - không tài sản đảm bảo với thủ tục giải ngân nhanh. Cách này sẽ giúp gỡ khó khăn về tài sản đảm bảo bởi không ít tài sản của người dân, doanh nghiệp đã bị hư hỏng do bão.
Các ngân hàng cũng lưu ý, khách hàng vay vốn cần liên hệ sớm với cán bộ tín dụng để có phương án khắc phục hậu quả phù hợp và chính sách hỗ trợ vốn kịp thời.
Sau khi các ngân hàng thương mại lớn công bố, sẽ có thêm các ngân hàng thương mại khác đưa ra hỗ trợ. Với những trường hợp khách hàng vay bị ảnh hưởng nặng nề như các hộ nuôi trồng thủy sản, lồng bè bị trôi ra ngoài biển, hay nhà xưởng, kho hàng bị sập đổ, gần như mất trắng không thể tái sản xuất ngày 1 ngày 2, các ngân hàng sẽ cố gắng phối hợp, bàn bạc với khách hàng vay phương án cơ cấu, giãn nợ để tìm cách khôi phục sản xuất, trong khả năng.
Tuy nhiên, việc này theo quy định sẽ khiến các khoản vay bị chuyển sang nhóm nợ chậm trả, hay nợ xấu. Nếu muốn không chuyển nhóm nợ để có thể tiếp cận khoản vay mới như chính sách hỗ trợ giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vẫn cần thêm quyết sách từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Từ phía Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo đơn vị này cũng đã trực tiếp đến các địa phương chịu thiệt hại, lắng nghe đề xuất từ phía người dân, doanh nghiệp, yêu cầu các ngân hàng thương mại phải trở thành "chỗ dựa" cho doanh nghiệp, không thu nợ bằng mọi cách mà phải linh hoạt, thể hiện trách nhiệm chia sẻ, tạo điều kiện phục hồi sản xuất.
Trong công điện chỉ đạo, Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh ngành ngân hàng cần kịp thời áp dụng các chính sách hỗ trợ, khoanh nợ, giãn nợ, để người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh.
No comments