Chuyến tàu dài 7.800km xuyên qua 2 châu lục, 3 quốc gia: Giá vé hơn 20 triệu đồng còn khó “săn”, phòng nghỉ như khách sạn 5 sao
Với những chuyến hành trình xuyên châu lục, hầu hết mọi người sẽ chọn di chuyển bằng máy bay để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, nếu biết đến chuyến tàu xuyên Á - Âu từ Bắc Kinh (Trung Quốc) đến Moscow (Nga) này, có lẽ bạn sẽ muốn thay đổi kế hoạch. Bởi những trải nghiệm độc nhất vô nhị ở đó đã khiến nhiều hành khách sẵn sàng từ bỏ chuyến đi nhẹ nhàng với 8 giờ bay, để đổi lấy 6 ngày được thỏa thích ngắm nhìn cảnh đẹp hiếm có của 3 quốc gia trên suốt cả chặng đường dài.
Tàu từ Bắc Kinh đến Moscow có 2 chuyến mang số hiệu là K3 và K19. Đây cũng được xem là chuyến tàu dài nhất thế giới với toàn bộ hành trình là 7.800km, đi mất 6 ngày 5 đêm và qua 3 quốc gia Trung Quốc, Mông Cổ, Nga. Tàu khởi hành từ Ga Bắc Kinh và sẽ dừng ở thành phố biên giới Erenhot (Nội Mông Cổ) của Trung Quốc trong hơn 5 giờ để đổi đường ray. Nguyên nhân chính là do khổ đường sắt ở Trung Quốc, Nga và Mông Cổ có kích thước khác nhau.
Vé tàu từ Bắc Kinh đến Moscow cũng được mệnh danh là tấm vé tàu khó mua và đắt nhất Trung Quốc, với mức giá: 6000 NDT (20 triệu đồng) cho vé nằm giường mềm và 3700 NDT (gần 13 triệu đồng) cho giường cứng.
Ngoài ra, vé tàu cũng không thể mua qua website hay app trên điện thoại, mà phải đến Trung tâm du lịch quốc tế tại Trung Quốc xếp hàng để mua trực tiếp, đặt mua trước hơn một tháng và thanh toán 100% tiền vé trước 10 ngày. Hành khách đi chuyến tàu K3 phải xin cả visa Mông Cổ và visa Nga, còn chuyến tàu K19 thì chỉ cần xin visa Nga.
Vì là chuyến tàu liên vận quốc tế, tiếp đón hành khách từ nhiều quốc gia khác nhau và cũng đi qua đến 3 quốc gia và 2 châu lục, tàu K3 và K19 được thiết kế kết hợp phong cách đặc trưng từ nhiều nền văn hóa, mang đến trải nghiệm đáng nhớ nhất cho hành khách. Dù bạn yêu thích phong cách truyền thống, cổ điển ở Châu Á hay hiện đại ở Châu Âu, tất cả đều sẽ có ở trên chuyến tàu này.
Đặc điểm chung của các toa tàu là phòng nghỉ đều được dọn vệ sinh sạch sẽ, giường đệm gọn gàng, không kém gì tiêu chuẩn tại các khách sạn 5 sao. Trong hành trình kéo dài gần cả 1 tuần, điều hành khách quan tâm nhất vẫn là vấn đề vệ sinh cá nhân, tắm rửa. Trên tàu K3, K19 không chỉ có nhà vệ sinh như các chuyến tàu khác, mà còn trang bị cả nhà tắm với vòi hoa sen để hành khách sử dụng.
Ngày đầu tiên của chuyến hành trình, tàu lăn bánh qua những con sông lớn và dãy núi hùng vĩ ở khu vực phía Bắc Trung Quốc. Ngày thứ 2, tiến vào đất nước Mông Cổ, du khách sẽ được thưởng ngoạn cảnh đẹp tuyệt vời chốn thảo nguyên.
Ngày thứ 3, khi vừa thức dậy, bạn sẽ thấy hồ Baikal của nước Nga mênh mông bên ngoài khung cửa sổ, xa xa là những đỉnh núi tuyết. Nằm ở miền đông Siberia, nước Nga, hồ Baikal được mệnh danh ''đôi mắt ngọc của Siberia”, là một kỳ quan thiên nhiên độc đáo, mang vẻ đẹp có một không hai trên thế giới.
Đến ngày thứ 4, tàu đi qua nhà ga Slyudyanka với kiến trúc cổ kính và vô cùng độc đáo. Nơi đây được Lonely Planet dành lời khen là nhà ga nhỏ nhưng cực kỳ đẹp đẽ và hoa lệ, xứng đáng để du khách khám phá trong chuyến hành trình của mình.
Ngày thứ 5, tàu đưa du khách đi qua rừng bạch dương bạt ngàn ở Siberia, với phong cảnh tuyệt đẹp không thể bỏ lỡ trong đời. Và ngày thứ 6, tàu chính thức dừng bánh ở Moscow, kết thúc hành trình dài 7.800km.
Qua ô cửa sổ tàu hỏa, phong cảnh của 3 đất nước Trung Quốc, Mông Cổ và Nga tựa như những thước phim đẹp đẽ lướt qua trước mắt hành khách. Mỗi mùa đều sẽ có những nét đẹp riêng làm say đắm lòng người. Đó chính là điều đặc biệt nhất mà chuyên tàu xuyên Á - Âu này mang lại.
6 ngày trên tàu, không gian nhỏ hẹp và hạn chế nhưng chỉ cần hướng mắt ra ngoài cửa sổ, bạn sẽ cảm thấy thư thái và như được hòa mình vào thiên nhiên rộng lớn. Bên cạnh đó, những tiện nghi và dịch vụ trên tàu cũng được cung cấp đầy đủ, giúp hành khách không cảm thấy nhàm chán hay mệt mỏi dù phải ở trên tàu suốt thời gian khá dài. Đó cũng chính là lý do dù giá vé rất cao và khó mua, những người yêu du lịch vẫn không hề muốn bỏ lỡ chuyến tàu này trên hành trình trải nghiệm những điều thú vị của mình.
No comments