Breaking News

Báu vật mồ côi: Thế gian có đúng một cây, là vua của loài Tuế, đại gia chi 'núi tiền' cũng không mua nổi

Loài thực vật được mệnh danh là "vua của loài Tuế", "loài thực vật cô đơn nhất hành tinh" hay "báu vật mồ côi" mà chúng ta đang đề cập đến chính là cây Vạn tuế Encephalartos woodii, hiện đang sống và được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt tại Khu bảo tồn rừng Ngoye tại KwaZulu-Natal, Nam Phi.

Báu vật mồ côi: Thế gian có đúng một cây, là vua của loài Tuế, đại gia chi 'núi tiền' cũng không mua nổi- Ảnh 1.

Vạn tuế Encephalartos woodii (bản sao) tại Vườn thực vật quốc gia Kirstenbosch, Nam Phi.

[Vạn tuế Encephalartos woodii còn được gọi là Encephalartos woodii gốc; hay Vạn tuế Encephalartos woodii ở Ngoye trong khuôn khổ bài viết này].

Năm 2022, Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tuyên bố cây Vạn tuế Encephalartos woodii đã tuyệt chủng ngoài môi trường tự nhiên hoang dã (phân hạng: EW). Cá thể Encephalartos woodii gốc còn lại duy nhất này đang được chăm sóc dưới bàn tay con người.

Vạn tuế Encephalartos woodii được nhà thực vật học người Nam Phi John Medley Wood (1827-1915) phát hiện lần đầu tiên vào năm 1895 khi ông đang trong chuyến thám hiểm thực vật học tại Khu bảo tồn rừng Ngoye. 

Mọi nỗ lực tìm kiếm các cây vạn tuế cùng loài khác ở khu vực lân cận của John Medley Wood đều bất thành. Từ đó cho đến nay, Encephalartos woodii trở thành "loài thực vật cô đơn nhất trên thế giới". Trong nhiều thập kỷ tiếp theo sau đó, các nhà thực vật học quốc tế đều chung tay nỗ lực bảo tồn loài cây triệu năm này.

Họ cây duy nhất trên Trái đất được mệnh danh "khủng long sống"

Vạn tuế Encephalartos woodii là một thành viên của họ cây Tuế Cycads, những cây nặng với thân cây mập mạp và lá cứng lớn tạo thành tán cây hùng vĩ. 

Cycads là nhóm thực vật sống lâu đời nhất còn tồn tại cho đến ngày nay và thường được gọi là "hóa thạch sống" hoặc "khủng long sống" do lịch sử tiến hóa của chúng có niên đại từ Kỷ Than Đá, cách đây khoảng 300 triệu năm, trước khi khủng long ngự trị Trái Đất. Cycads tồn tại lâu hơn khủng long và sống sót qua nhiều cuộc tuyệt chủng hàng loạt.

Sức sống mãnh liệt, kiên cường của chúng mạnh đến mức Kỷ Đại Trung sinh từ 250-66 triệu năm trước được giới khoa học "đổi tên" thành Thời đại Cycads, bởi vào Kỷ này, tuế Cycads có mặt ở khắp mọi nơi trên hành tinh, đặc biệt phát triển mạnh trong vùng khí hậu ấm áp, ẩm ướt đặc trưng của thời kỳ đó.

Mặc dù có vẻ ngoài giống cây dương xỉ hoặc cây cọ, nhưng cây tuế không liên quan đến bất kỳ loài nào trong số này. 

Báu vật mồ côi: Thế gian có đúng một cây, là vua của loài Tuế, đại gia chi 'núi tiền' cũng không mua nổi- Ảnh 2.

Nón của loài Tuế. Ảnh: Vườn bách thảo Hoàng gia KEW (Anh).

Cây tuế là thực vật hạt trần, một nhóm bao gồm cây lá kim và cây bạch quả. Không giống như thực vật có hoa (thực vật hạt kín), cây tuế sinh sản bằng nón (còn gọi là quả nón). Bình thường, người ta không thể phân biệt được cây tuế đực và cây tuế cái cho đến khi chúng trưởng thành và tạo ra những quả nón màu vàng tuyệt đẹp.

Nón cái thường rộng và tròn, còn nón đực thì dài và hẹp hơn. Nón đực sản sinh ra phấn hoa, được côn trùng mang đến nón cái. Phương pháp sinh sản cổ xưa này hầu như không thay đổi trong hàng triệu năm qua. Một cây Tuế có thể sống từ 500 đến 1200 năm, tùy thuộc vào điều kiện môi trường.

Mặc dù có tuổi thọ cao, ngày nay họ Tuế được xếp hạng là sinh vật sống có nguy cơ tuyệt chủng nhất trên Trái đất với phần lớn các loài được coi là có nguy cơ tuyệt chủng cao. Điều này là do chu kỳ sinh trưởng và sinh sản chậm của chúng, thường mất từ 10 đến 20 năm để trưởng thành. Một vài nguyên nhân đe dọa sự tồn tại của chúng là mất môi trường sống do nạn phá rừng, chăn thả; và thu thập quá mức của con người. 

"Giá đắt cắt cổ"

Cần phải nhắc lại, Tuế là một trong những nhóm thực vật lâu đời nhất và có nguy cơ tuyệt chủng nhất trên Trái Đất.

Chính điều này làm tăng vị thế của chúng đối với các nhà sưu tập quy mô toàn thế giới, khiến chúng trở nên rất có giá trị và được săn đón trong hoạt động buôn bán cây tuế bất hợp pháp - một ngành công nghiệp toàn cầu trị giá hàng triệu bảng Anh.

Báu vật mồ côi: Thế gian có đúng một cây, là vua của loài Tuế, đại gia chi 'núi tiền' cũng không mua nổi- Ảnh 3.

Vạn tuế Encephalartos woodii tại Vườn bách thảo Hoàng gia KEW (Anh). Ảnh: Andrew McRobb/RBG Kew

Vì dáng đứng uy nghi, sức sống mãnh liệt, tuổi thọ cao nên họ Tuế nói chung đã trở thành biểu tượng của sự quý hiếm, trường thọ, vượng khí của thực vật trên Trái đất. Và cũng chính vẻ ngoài nổi bật và nguồn gốc trăm triệu năm mà Tuế trở thành loài cây được giới đại gia, nghệ nhân làm vườn săn đón trên toàn cầu. 

Dữ liệu của Vườn bách thảo Hoàng gia KEW (Anh) cho biết, trong hoạt động buôn bán cây tuế bất hợp pháp, một số mẫu vật Tuế quý hiếm riêng lẻ được bán với giá từ hàng trăm nghìn USD đến hàng triệu USD mỗi cây. Đây là một số tiền rất lớn so với các mặt hàng động vật bị buôn bán trái phép như sừng tê giác đen, có giá hơn 90.000 USD.

The Conversation (Website thu thập các bài nghiên cứu của học giả mọi lĩnh vực trên thế giới) cho biết, những cây Tuế thuộc dạng quý hiếm còn có giá "cắt cổ" từ 620USD cho mỗi một cm độ dài của cây.

Trong số tất cả các loài Tuế quý hiếm, vạn tuế Encephalartos woodii gốc chính là loài có giá trị nhất. Chính vì thế, nhiều người ngầm hiểu rằng nó chính là "Vua của loài Tuế" còn sống trên Trái đất. Vì là cá thể gốc duy nhất trên Trái đất, vạn tuế Encephalartos woodii ở Ngoye được ví von rằng đại gia có "núi tiền" cũng không thể mua nổi.

Hành trình tìm kiếm "bạn đời" cho Encephalartos woodii đực: AI, UAV vào cuộc

21 năm sau ngày lần đầu tiên được phát hiện ngoài tự nhiên hoang dã, vào năm 1916, Bộ Môi trường, Lâm nghiệp và Thủy sản (DEFF) của Nam Phi đã di chuyển Encephalartos woodii khỏi tự nhiên để bảo quản an toàn tại Khu bảo tồn rừng Ngoye ở Nam Phi [chính vì điều này mà Sách Đỏ IUCN phân hạng Encephalartos woodii là Tuyệt chủng ngoài tự nhiên].

Để ngăn chặn những kẻ ăn trộm, người ta đã triển khai nhiều biện pháp an ninh như lồng báo động, chó nghiệp vụ để nỗ lực bảo vệ "báu vật mồ côi" này. Từ đó, loài cây này đã được nhân giống trên toàn thế giới.

Ở loài Tuế, ngoài việc sinh sản bằng nón (sinh sản hữu tính), chúng còn sinh sản qua các nhánh cây. Nghĩa là cây chủ sẽ mọc ra các nhánh. Các nhánh này biến thành một cây con hoàn toàn mới. Nhờ quá trình này cộng với nỗ lực của các nhà sinh vật học, có khoảng 500 cây (tách ra từ vạn tuế Encephalartos woodii ở Ngoye) đã được mang đi trồng ở nhiều vườn thực vật của thế giới.

Tuy nhiên, Encephalartos woodii hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng hiện sinh. Tất cả các cây vạn tuế Encephalartos woodii "bản sao" từ mẫu vật Ngoye đều là cây đực (giống cây chủ). Nếu không có cây cái, việc sinh sản tự nhiên (hữu tính) là điều không thể. Bởi vậy, câu chuyện của Encephalartos woodii là một câu chuyện về cả sự sống còn và sự cô đơn.

Năm 2022, một dự án mang tên "The Living Dead: On the Trail of Female" (tạm dịch: Loài cây cô độc: Hành trình theo dấu cây cái) của tập hợp các nhà sinh vật học, chuyên gia quốc tế do Anh đứng đầu đã triển khai máy bay có người lái; hệ thống máy bay không người lái (UAV) trang bị cảm biến đa quang phổ và trí tuệ nhân tạo (AI) - còn gọi là "AI in the Sky" - để "quét" toàn bộ Khu bảo tồn rừng Ngoye nhằm tìm dấu tích của cây Encephalartos woodii cái ngoài tự nhiên.

Báu vật mồ côi: Thế gian có đúng một cây, là vua của loài Tuế, đại gia chi 'núi tiền' cũng không mua nổi- Ảnh 4.

Bức ảnh do camera của máy bay không người lái chụp ngày 22/1/2024 phía trên Khu bảo tồn Rừng Ngoye, ở KwaZulu-Natal, Nam Phi. Ảnh: Tim Baker/Laura Cinti & Howard Boland/C-LAB.

Báu vật mồ côi: Thế gian có đúng một cây, là vua của loài Tuế, đại gia chi 'núi tiền' cũng không mua nổi- Ảnh 5.

Một ví dụ về hình ảnh tĩnh của vạn tuế Encephalartos woodii cái được sử dụng để đào tạo phần mềm AI. Nguồn: C-LAB/CC BY-NC

Đây là lần đầu tiên thế giới công nghệ cao dạng này được sử dụng để tìm kiếm Encephalartos woodii cái để cây đực có cơ hội "ghép đôi" và tạo ra những cây con khỏe mạnh rồi đưa chúng trở lại môi trường sống bản địa ngoài tự nhiên hoang dã. Dự án này có sự hỗ trợ của Chương trình Creative Europe của Liên minh châu Âu (EU).

Nỗ lực này cho đến nay - dù chưa có kết quả - nhưng không một lần khiến các nhà khoa học nản chí hay thất vọng. Mọi cuộc thám hiểm từ trên không vẫn đang tiếp tục tại thời điểm bạn đang đọc các thông tin này. 

Hành trình tìm kiếm vạn tuế Encephalartos woodii cái của các nhà khoa học cho thấy vẫn còn hy vọng ngay cả đối với những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất nếu chúng ta hành động đủ nhanh.

Câu chuyện về cây vạn tuế cô độc nhất hành tinh, từ việc phát hiện ra nó đến việc chuyển nó vào nơi sinh sống an toàn có bàn tay con người chăm sóc, đã nêu bật tầm quan trọng trong mọi nỗ lực bảo tồn sự đa dạng của sự sống trên Trái đất; đồng thời là lời nhắc nhở sâu sắc về sự mong manh của đa dạng sinh học trên hành tinh xanh này.

Tham khảo: Sách Đỏ IUCN, The Conversation, Birdlife, Electronica

Theo Trang Ly

No comments