Breaking News

Học được gì về tiền nong từ Mike Tyson - từng kiếm 10.000 tỷ nhưng vỡ nợ, phải tuyên bố phá sản?

Mike Tyson với biệt danh "Tay đấm thép" đang là cái tên được cả thế giới nhắc đến sau khi trận đấu giữa ông và YouTube Jake Paul kết thúc vào trưa ngày 16/11. Cuộc đấu này được mô tả đắt giá nhất năm với 60 triệu USD (1.500 tỷ đồng) - tiền thù lao cho cả hai.

Dù thất bại, Tyson bỏ túi ít nhất 20 triệu USD (~507 tỷ đồng), từ đó làm gia tăng tài sản khủng của võ sĩ huyền thoại người Mỹ này. Được biết đến là một trong những võ sĩ hàng đầu thế giới, Mike Tyson từng được coi là "cỗ máy kiếm tiền" trong những năm tháng đỉnh cao. Tuy nhiên, năm 2003, cái tên của ông xuất hiện dày đặc trên mặt báo với tiêu đề liên quan đến câu chuyện phá sản. Sau hơn 2 thập kỷ, võ sĩ huyền thoại này đã làm thế nào để xoay xở khó khăn tài chính, kiếm lại khối tài sản khổng lồ ở tuổi U60?

Học được gì về tiền nong từ Mike Tyson - từng kiếm 10.000 tỷ nhưng vỡ nợ, phải tuyên bố phá sản?- Ảnh 1.

Mike Tyson (phải) và YouTube Jake Paul (trái) trong trận đấu vào trưa 11/6

Tuyên bố phá sản

Mike Tyson bắt đầu sự nghiệp thi đấu quyền Anh chuyên nghiệp ở tuổi 18, sau khi ông hạ gục đối thủ Hector Mercedes bằng một cú TKO ngay ở hiệp đầu tiên.

Trong sự nghiệp, Mike Tyson đạt được nhiều thành tích đáng nể. Ông được xếp thứ 16 trong danh sách 100 tay đấm vĩ đại nhất mọi thời đại của The Ring và số một trong danh sách những tay đấm mạnh nhất trong lịch sử quyền anh hạng nặng của ESPN.

Bất chấp những bê bối trong đời sống cá nhân thì chỉ tính riêng sự nghiệp thi đấu, thành tích của Mike Tyson là khó đánh bại. Ở thời kỳ đỉnh cao tài chính, Mike Tyson từng rao bán giá trị tài sản ròng của mình lên tới hơn 400 triệu USD (~10 ngàn tỷ đồng), khiến ông trở thành một trong những võ sĩ giàu nhất từng bước lên võ đài. Tuy nhiên, con số này chỉ tính riêng nguồn thu nhập từ hoạt động thi đấu thể thao chuyên nghiệp của Mike Tyson, chưa tính đến nguồn thu khác như lợi nhuận từ quảng cáo và bản quyền thương hiệu.

Đáng tiếc, Mike Tyson đã rơi vào thời kỳ khó khăn sau khi rời khỏi sự nghiệp thi đấu quyền anh chuyên nghiệp. Sau một loạt sai lầm, nhà vô địch này phải vào tù dẫn đến bị nhiều người hâm mộ quay lưng và cắt hợp đồng quảng cáo. Năm 2003, Tyson tuyên bố phá sản với khoản nợ 23 triệu USD (~583 tỷ đồng).

Một trong những nguyên nhân đẩy Mike Tyson tới bờ vực khánh kiệt tài chính phải kể đến thói quen tiêu xài hoang phí của nhà vô địch. Trong những năm 1980 và 1990, Tyson được biết đến là người có lối sống xa hoa.

Học được gì về tiền nong từ Mike Tyson - từng kiếm 10.000 tỷ nhưng vỡ nợ, phải tuyên bố phá sản?- Ảnh 2.

Mike Tyson từng sở hữu nhiều biệt thự đắt giá nhưng phải bán đi để trang trải khi mang nợ

Cho đến nay, khoản chi lớn nhất của Mike Tyson là mua bất động sản. Biểu tượng của boxing thế giới sở hữu nhiều biệt thự triệu đô trên khắp nước Mỹ. Mike Tyson cũng chơi siêu xe như rất nhiều ngôi sao khác. The Sun ước tính có khoảng hơn 100 chiếc xe trị giá hàng trăm nghìn USD từng qua tay võ sĩ người Mỹ.

Bên cạnh đó, Mike Tyson còn "đốt" tiền vào nuôi thú cưng, săn hàng hiệu, những cuộc vui thâu đêm suốt sáng,... và nhiều thú vui của giới thượng lưu khác.

Bất chấp việc chi tiêu rất nhiều nhưng đòn giáng lớn nhất lên tài sản ròng của huyền thoại này chắc chắn phải kể đến mối quan hệ hợp tác không lành mạnh giữa Mike Tyson và ông bầu quyền lực nhất làng quyền anh thế giới - Don King. Trong suốt sự nghiệp của Mike Tyson, Don King được cho là đã lừa đảo và làm giàu cho bản thân bằng cách lấy tới 50% thu nhập của võ sĩ quyền anh. Bên cạnh đó, Don King còn liệt kê vợ, các con vào danh sách cố vấn và các vai trò khác nhau trong đoàn làm việc của Mike Tyson, từ đó rút hàng triệu đô la Mỹ hàng năm cho mỗi người.

Học được gì về tiền nong từ Mike Tyson - từng kiếm 10.000 tỷ nhưng vỡ nợ, phải tuyên bố phá sản?- Ảnh 3.

Mike Tyson trả giá vì tiêu xài hoang phí và bị lừa đảo tài chính

Sự trở lại của Mike Tyson

Vào năm 2010, trong một cuộc phỏng vấn với The View, Mike Tyson đã bày tỏ những khó khăn về tài chính, cũng như thảo luận về cách ông đấu tranh để trang trải cho các chi phí của cuộc sống. Bản thân Mike cũng thừa nhận sẽ làm khác nếu được quay lại thời gian.

"Nếu được làm lại, tôi sẽ đầu tư vào bất động sản, mua các căn hộ ở khắp nơi trên thế giới. Mỗi năm, tôi sẽ đến ở tại đó một vài ngày", Mike cho hay.

May mắn là sau 2 thập kỷ, Mike đã vượt qua được giai đoạn phá sản và bắt đầu xây dựng lại nền tảng tài chính vững mạnh từ những nguồn thu nhập khác nhau. Ông tham gia đóng phim, nhận phí xuất hiện tại các sự kiện và tham gia các trận đấu biểu diễn. Bên cạnh đó, một trong những bước đột phá lớn của Tyson là tham gia kinh doanh riêng.

Theo Celebrity Net Worth , vào năm 2020, khối tài sản của Mike Tyson được ước tính khoảng 10 triệu USD (~253 tỷ đồng). Đây là một con số khá khiêm tốn so với đỉnh cao sự nghiệp của ông. Tuy nhiên, tài sản của huyền thoại quyền anh này đã có dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt sau trận đấu với YouTuber kiêm võ sĩ Jake Paul.

Hiện tại, Mike Tyson không còn tiêu xài xa hoa như trước, tập trung vào dự án kinh doanh và duy trì lối sống lành mạnh. Sự hồi sinh mạnh mẽ trong tài chính của huyền thoại này là minh chứng cho khả năng tự làm mới bản thân, dù đã trải qua những giai đoạn khủng hoảng sâu sắc.

Học được gì về tiền nong từ Mike Tyson - từng kiếm 10.000 tỷ nhưng vỡ nợ, phải tuyên bố phá sản?- Ảnh 4.

Học được gì từ khủng hoảng tài chính của Mike Tyson?

Không riêng Mike Tyson, nhiều ngôi sao thể thao đã rơi vào cảnh phá sản, vỡ nợ dù ở thời kỳ đỉnh cao họ từng kiếm hữu khối tài sản ròng giá trị hàng triệu đô la. Tại sao tình trạng này không phải hiếm?

Thu nhập của hầu hết vận động viên chuyên nghiệp chỉ đến trong một thời gian ngắn là vài năm. Khi đó, họ bắt đầu chi nhiều hơn so với khả năng chi trả cho những thú vui xa xỉ. Điều này có thể gây ra thảm hoạ với tài chính với họ. Bên cạnh đó, khi khối tài sản ròng của vận động viên tăng lên, các cố vấn tài chính, bạn bè, người thân... cũng tìm ách lợi dụng và bòn rút tiền của họ. Sau cùng, nhiều vận động viên đánh mất tiền do bị lừa đảo và quản lý tài chính vô trách nhiệm.

Áp lực từ bạn bè, đồng nghiệp xung quanh buộc các vận động viên phải phung phí vào những thứ xa xỉ mà họ không đủ khả năng chi trả. Trong sự nghiệp ngắn ngủi, họ vừa phải thi đấu kiếm tiền, vừa phải tiết kiệm để trang trải cho quãng đời còn lại, và điều này đòi hỏi tính kỷ luật đi kèm sự chăm chỉ làm việc lớn. Những vận động viên bất cẩn về tài chính, hoặc quá tin tưởng giao tiền nong cho những người xung quanh, có thể mắc phải những sai lầm mà sau này họ khó phục hồi được.

Những câu chuyện Mike Tyson nói riêng và các ngôi sao thể thao khác nói chung cho thấy rằng bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng từ triệu phú trở thành kẻ bần cùng. Bạn có thể tránh điều này bằng cách tiết kiệm tiền thường xuyên, đầu tư vào tài sản phù hợp để đảm bảo tương lai cho chính mình và gia đình.

Dưới đây là những bài học mà chúng ta có thể rút ra để hướng đến tự do tài chính:

- Lên kế hoạch tài chính của bạn

Đặt mục tiêu tiết kiệm theo từng tháng và năm, bất kể bạn có thu nhập tốt đến đâu. Bên cạnh đó, hãy dành riêng tiền cho đầu tư cố định theo từng tháng. Dù bạn có giàu có đến đâu nhưng nếu chỉ để tiền đứng im một chỗ thì qua năm tháng, chúng sẽ thành "tiền chết", không thắng được tốc độ gia tăng của lạm phát.

Nhìn chung, bạn cần tuân thủ kế hoạch tài chính đã đặt ra, dành một khoản tiền cho đầu tư và tiết kiệm trước khi tiêu hết số tiền có trong tài khoản ngân hàng.

- Cẩn trọng khi vay tiền

Tránh vay tiền để chi trả cho những thứ xa xỉ mà bạn không đủ khả năng chi trả. Nếu thu nhập của bạn đột nhiên giảm, bạn có thể thấy rất khó để trả hết các khoản vay của mình. Cũng vì thế, trước khi vay tiền để mua một chiếc xe hơi hay ngôi nhà sang trọng, hãy nghĩ xem bản thân còn đủ khả năng trả cho chúng hay không.

- Bắt đầu xây dựng quỹ hưu trí từ sớm

Khi bạn đã quen với lối sống xa hoa, thật khó để thích nghi với mức sống thấp hơn. Đó là lý do tại sao việc xây dựng quỹ hưu trí là điều cần thiết. Hãy bắt đầu đầu tư sớm để đảm bảo rằng quỹ hưu trí của bạn đủ lớn để hỗ trợ lối sống của bạn, ngay cả khi bạn đã nghỉ hưu. Nếu bạn bắt đầu tiết kiệm muộn, quỹ hưu trí của bạn có thể không đủ để chạy theo lối sống mong ước, song đã quá muộn để bạn có thể thay đổi chúng.

- Không tin tưởng giao tiền nong cho bất kỳ ai

Đứng trước tiền bạc, kể cả người thân nhất cũng có thể lừa dối bạn để chiếm lấy tài sản. Hãy học cách tự mình quản lý tài chính và bảo vệ tài sản cá nhân. Bên cạnh đó, tốt hơn cả là không nên chia sẻ quá nhiều về tài chính cá nhân, nếu bạn không muốn trở thành mục tiêu bị nhiều kẻ xấu nhắm đến.

Theo Nguyệt

No comments